Từ điển
Dịch văn bản
 
Tất cả từ điển
Tra từ
Hỏi đáp nhanh
 
 
 
Kết quả
Vietgle Tra từ
Chuyên ngành Anh - Việt
Gigabit Ethernet
|
Tin học
Gigabit Ethernet là mô hình mở rộng, có tốc độ truyền 1-Gbit/giây (1000 Mbit/giây) của tiêu chuẩn mạng Ethernet phiên bản IEEE 802.3. Vào thời điểm cuốn sách nầy được viết, IEEE (Institute of Electrical and Electronic Engineers) đã giải quyết xong các chi tiết cuối cùng của Gigabit Ethernet. Chỗ ứng dụng thích hợp trước tiên của nó là các khuôn viên đại học, tại đây nó có thể được sử dụng để kết nối các hệ thống mạng Ethernet 10-Mbit/giây và 100Mbit/giây đang có sẵn. Gigabit Ethernet có thể cung cấp thay thế cho đường trục FDDI (Fiber Distributed Data Interface) 100Mbit/giây, và nó cạnh tranh với các công nghệ ATM (Asynchronous Transfer Mode) trong môi trường mạng dùng riêng. Gigabit Ethernet mở rộng các hệ thống mạng Ethernet cho các tổ chức đang sử dụng mạng Ethernet phiên bản trước. Nó sử dụng giao thức truy cập môi trường CSMA/CD (carrier sense multiple access/collision detection), cùng định dạng khung, và cùng kích thước khung. Hầu hết các thiết bị Ethernet đang tồn tại, bao gồm các thành phần tại máy trạm, đều không cần phải nâng cấp. Khoản đầu tư khổng lồ của tổ chức cho các hub, chuyển mạch và sơ đồ cáp Ethernet cũng có thể giữ lại được trong hầu hết các trường hợp. Ngoài ra, các công cụ điều hành vẫn có thể giữ lại, mặc dù các phân tích về mạng yêu cầu được cập nhật để quản lý được tốc độ cao hơn. Gigabit Ethernet cạnh tranh với ATM như một lựa chọn cho đường trục mạng siêu cao tốc độc. ATM được xem là lựa chọn tốt hơn cho những mạng hợp nhất dữ liệu, thoại, hình ảnh và các lưu thông dữ liệu thời gian thực khác nhờ chức năng QoS (Quality of Service) được xây dựng sẵn trong nó. ATM cũng được sử dụng rộng rãi trong các mạng truyền tải mà Gigabit Ethernet không thích hợp. Đối với một số mạng nội bộ dùng riêng, nhiều người tin rằng Gigabit Ethernet sẽ giải quyết các vấn đề cố hữu của Ethernet một cách đơn giản bởi vì nó cung cấp nhiều băng thông hơn. Điều nầy đúng trong một số môi trường nhưng không phải là tất cả. Nó còn có các đặc tính mở rộng như bảo đảm dịch vụ, cũng rất có ích. RSVP (Resource Reservation Protocol: Giao thức giữ trước tài nguyên) là một ví dụ. Công việc của Gigabit Ethernet đang được hoàn thành bởi IEEE 802.3z Task Group và Gigabit Ethernet Alliance (sẽ được bàn đến ở cuối chương nầy). Task Group 802.3z hoàn thành các bộ kế hoạch cốt lõi vào cuối năm 1996. Người ta dự đoán rằng tiến trình tiêu chuẩn hóa sẽ hoàn thành vào cuối năm 1997. Các nhà cung cấp chính, như Bay, Cabletron, Cisco cũng đã có các sản phẩm của họ. Để đẩy nhanh việc tiêu chuẩn hóa, tiêu chuẩn Fibre Channel của ANSI (American National Standards Instritute) đã được quyết định để dùng trong hiện thực truyền tải cao tốc trên cáp quang. IEEE đã khởi xướng định nghĩa cho các đặc tả sau, gọi chung là 1000Base-X: 1000Base-LX Hiện thực kỹ thuật truyền laser bước sóng dài với chiều dài liên kết 550 mét thông qua cáp quang đa chế độ (multimode), và hơn 3000 mét trên cáp quang đơn chế độ (single-mode). 1000Base-SX Hiện thực kỹ thuật truyền laser bước sóng ngắn với chiều dài liên kết lên đến 300 mét thông qua cáp quang đa chế độ loại 62.5 micron, hoặc 550 mét đối với cáp quang đa chế độ loại 50 micron. 1000Base-CX Thiết kế để kết nối các thiết bị có khoảng cách gần nhau (trong cùng một phòng đi dây), tiêu chuẩn nầy sẽ sử dụng loại cáp đồng xoắn đôi truyền dữ liệu cao tốc với khoảng cách tối thiểu 25 mét. 1000Base-T Tiêu chuẩn nầy dự định cho phép Gigabit Ethernet truyền thông tin trên cáp đồng loại 5 với khoảng cách tối đa 100 mét. Gigabit Ethernet hỗ trợ chế độ truyền thông full-duplex giữa hai thiết bị chuyển mạch và giữa chuyển mạch và trạm đầu cuối, cũng như hỗ trợ chế độ half-duplex trên các liên kết mạng chia sẻ thông qua các bộ lặp (repeater) và phương pháp truy cập phương tiện CSMA/CD. Trong môi trường chuyển mạch full-duplex, thật ra không cần phải dò tìm xung đột (CSMA/CD) bởi vì một liên kết dành riêng sẽ được thiết lập giữa các trạm đầu cuối, và mỗi trạm sẽ sử dụng ống dẫn dữ liệu của riêng nó trong quá trình truyền tải. Tuy nhiên, CSMA/CD vẫn được giữ lại để duy trì tính tương thích với các tiêu chuẩn Ethernet đang tồn tại. Hình G-1 minh họa các phần tử chức năng của Gigabit Ethernet trên cơ sở những thông tin tiêu chuẩn khởi đầu đạt được bởi Gigabit Ethernet Alliance. Lưu ý rằng phương tiện ở tầng vật lý bao gồm cáp quang và sử dụng Fibre Channel, là một công nghệ mạng cao tốc đã được công nhận, sẽ bàn đến trong phần khác của cuốn sách. Hình G-1 Các tầng chức năng của Gigabit Ethernet Nơi áp dụng công nghệ nầy Như đã đề cập, Gigabit Ethernet được thiết kế dành cho đường trục băng thông cao, kết nối các bộ định tuyến, bộ chuyển mạch, hub, bộ lặp, và máy chủ cho các khu trường đại học hay các tòa nhà công sở. Các nhà thiết kế không định dùng kỹ thuật nầy vào việc triển khai hệ thống làm việc desktop (để bàn), mặc dù có thể sẽ cần trong tương lai. Gigabit Ethernet Alliance vừa đưa ra một số kịch bản nâng cấp như sau đây: Nâng cấp đường trục cho Fast Ethernet Theo kịch bản nầy, đường trục của Fast Ethernet đang tồn tại sẽ được nâng cấp thành đường trục Gigabit Ethernet bằng cách thay thế bộ chuyển mạch trung tâm. Việc nầy tận dụng toàn bộ số lượng các trạm nối vào bộ chuyển mạch, để có thể hoạt động như Ethernet 100Mbit/giây hay 10Mbit/giây. Hình G-2 minh họa dự án nầy. Hình G-2 Kịch bản kết nối của Gigabit Ethernet Các liên kết giữa bộ chuyển mạch và máy chủ Trong kịch bản nầy, băng thông cho máy chủ được tăng lên bằng cách thay thế NIC (network interface card: card giao tiếp mạng) tại các máy chủ bằng loại NIC của Gigabit Ethernet. Việc nâng cấp nầy đẩy thông suất của máy chủ lên đến 1000Mbit/giây. Trong hình G-2, lưu ý rằng các siêu máy chủ hiệu suất cao được nối trực tiếp vào bộ chuyển mạch Gigabit Ethernet. Các máy chủ được trang bị card mạng Gigabit Ethernet phải có khả năng quản lý hàng triệu gói tin mỗi giây (và cũng từng ấy lần ngắt (Interrupt). Vượt quá năng lực xử lý của nhiều loại máy chủ. Hiện nay một công ty có tên là Alteon vừa tung ra một loại NIC có khả năng đảm nhệm quản lý ngắt, cất bớt gánh nặng cho máy chủ. Website của Alteon tại địa chỉ http://www.alteon.com Kết nối giữa gigabit Ethernet và desktop Trong kịch bản nầy, một NIC của Gigabit Ethernet được cài đặt vào máy trạm mạnh dùng cho nghiên cứu hay phục vụ công nghệ, sau đó nối trực tiếp vào mạng Gigabit Ethernet. Chú ý đó là máy trạm nằm trên đỉnh của hình G-2. Kết nối giữa các thiết bị chuyển mạch với nhau Trong kịch bản nầy, các bộ chuyển mạch của Gigabit Ethernet được liên kết lại với nhau thông qua cáp quang, như được trình bày trong hình G-3. Mối liên kết giữa các thiết bị chuyển mạch cung cấp một đường trục hiệu suất cao và giúp phát triển kiến trúc cơ sở hạ tầng phân cấp. Nâng cấp đường trục FDDI Theo kịch bản nầy, một đường trục FDDI được nâng cấp thành đường trục Gigabit Ethernet. Việc nâng cấp cho phép vẫn giữ lại hệ thống đi dây bằng cáp quang đang tồn tại nhưng lại nâng cao được băng thông lên gấp mười lần. Hệ thống thống nầy có nhiều đặc tính giống như hệ thống mạng được trình bày trong hình G-3. Liên minh Gigabit Ethernet Alliance Gigabit Ethernet Alliance xuất phát từ một diễn đàn tự do nhằm đẩy mạnh hợp tác công nghệ trong việc phát triển Gigabit Ethernet. Liên minh nầy hỗ trợ toàn diện và thúc đẩy các tiêu chuẩn được phát triển nhóm do nhóm IEEE 802.3z. Nó cũng liên quan đến việc thiết lập và trình diễn khả năng tương tác của sản phẩm. Hình G-3 Các bộ chuyển mạch Gigabit được kết nối bằng các liên kết hiệu suất cao Từ mục liên quan Thông tin trên internet